Về quê của Lan đột biến 5CTPT – vùng đất có bề dầy lịch sử. Nơi có 8 người được Bác Hồ đặt tên.

Trong chuyến hành trình đi cùng đoàn công tác của Hội sinh vật cảnh và làm vườn tỉnh Phú Thọ về Đình làng Cổ Tiết xã Vạn Xuân huyện Tam Nông để dâng lễ tri ân  bậc thánh nhân có công với dân tộc, tri ân nơi phát tích loài hoa quý và cung tiến ghép 5 giò lan trở lại lên thân cây Đa cổ thụ nhằm bảo tồn, lưu giữ kỷ niệm tại nơi giống lan quý sinh ra. Có rất nhiều điều khiến tôi ngưỡng mộ vùng đất nơi đây.

Hoang hon Co Tiet anh Dang long
Hoàng hôn Cổ Tiết (ST)

Lần theo chiều dài lịch sử từ thủa dựng nước giai đoạn năm 2879 -258 trước Công Nguyên, vùng quê Cổ Tiết là vị trí trung tâm của tổ chức Nhà nước đầu tiên của Việt Nam – Nhà nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng thời kỳ dựng nước.

Cổ Tiết sớm có con người đến định cư và sinh sống. Nhiều liệu khảo cổ học đã chứng minh điều đó. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Cổ Tiết có nhiều thay đổi về địa danh và địa giới hành chính. Năm 2020 ba xã Tam Cường, Văn Lương và Cổ Tiết  đã sáp nhập thành xã Vạn Xuân. Trên địa bàn xã có đến 3 Di tích lịch sử nổi tiếng đó là.

1.Đền thờ vua Lý Nam Đế:

Theo lịch sử, Vua Lý Nam Đế là người đầu tiên xưng hiệu Đế. Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội xưa. Ông tên Lý Bí (còn có tên gọi khác là Lý Bôn). Ngay từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, tư chất khác người. Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn võ, đọc sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người võ công thâm hậu, học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Sau khi dấy binh khởi nghiệp đánh tan quân xâm lược nhà Lương, đến tháng giêng năm 544 Lý Bí chính thức lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Lý Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc truyền đến muôn đời.

Den tho vua Ly ND
Đền thờ Vua Lý Nam Đế trong khu di tích

Mùa xuân năm 545, nhà Lương đưa quân trở lại xâm lược, kinh đô thất thủ, Lý Nam Đế phải đưa quân lui về vùng Khuất Lão củng cố lực lượng, do chiến đấu bị thương nên vua trao binh quyền cho tướng Triệu Quang Phục tiếp tục kháng chiến còn mình lui về ở ẩn tại động Khuất Lão. Ngày 20/3( tức ngày 23/4 dương lịch) năm 548, Vua Lý Nam Đế qua đời, thọ 46 tuổi. Thi hài của ông được an táng ngay trong động Khuất Lão. Trải qua hàng ngàn năm Lăng mộ của Vua Lý Nam Đế được nhân dân trong vùng chăm sóc thờ tự. Ông là người đã có công lập nên nước Vạn Xuân, lập ra nhà tiền Lý- triều đại được thành lập sớm nhất ở nước ta và có công khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ đối với các triều đại phong kiến lúc bấy giờ.

Ngày nay Di tích Đền thờ Vua Lý Nam Đế và lăng mộ của Ngài được tu bổ, tôn tạo có giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt quan trọng bởi lòng tôn kính, tri ân công đức người có công giữ nước của dân tộc Việt Nam. Năm 2020 khu di tích UBND tỉnh Phú Thọ quyết định xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh

2. Đình Cổ Tiết

Còn gọi là Đình Thượng, thuộc khu 5, xã Cổ Tiết, nay là xã Vạn Xuân huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ là một ngôi Đình linh thiêng cổ kính được xây dựng năm 1725 dưới thời Lê trung hưng theo lối kiến trúc chồng diêm tám mái, cong vút tám đầu đao, cửa quay về hướng đông. Kết cấu đình theo kiểu thước kẻ truyền, hạ bảng, lối kiến trúc chữ nhất. Đình làng thờ Ngũ vị Long vương thượng đẳng tôn thần (là 5 người con của vua Hùng Vương thứ 5) và Bà Chúa Sơn Tinh tri thần. Ngôi Đình thiêng nằm trên khu đất cao ráo thoáng đẹp có diện tích khoảng 2000m2, xung quanh có tường bao, ngay cổng ra vào có một cây Đa cổ thụ tỏa bóng mát là nơi phát tích của giống hoa lan nổi tiếng với cái tên lan var quốc dân – 5 cánh trắng Phú Thọ.

Đình Cổ Tiết là một công trình mang những giá trị to lớn về lịch sử dân tộc và cách mạng Năm 2000 Đình làng Cổ Tiết đã được Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

image 6483441 6
Đình Cổ Tiết

Với người chơi hoa lan Việt Nam, nơi đây là địa danh lịch sử rất đáng tự hào về nguồn cội phát tích giống hoa lan đẹp như những cánh Hạc trắng bay như ứng với hình ảnh chim Hạc trên mặt trống đồng cổ xưa tượng trưng cho khát vọng mạnh mẽ, muốn chinh phục bầu trời; là ước mơ vượt qua mọi giông tố khó khăn.

image 6483441 15
Cây Đa cổ thụ

3. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây 74 năm, từ ngày 4/3 đến ngày 18/3/1947, trên đường lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến, Bác Hồ cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã dừng chân, ở và làm việc 15 ngày tại xóm Đồi, xã Vạn Xuân.

Khu luu niem bac ho o co tiet
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí minh 
Ban tho Bac
Bàn thờ Bác Hồ trong khu lưu niệm

Trong thời gian ở đây, với bí danh là “Xuân”, Bác đã làm nhiều công việc lớn của cách mạng và có một chi tiết rất thú vị: Tại đây Bác đã đặt tên cho các đồng chí cận vệ giúp việc là “Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi”. Điều đó thể hiện rõ ý nguyện và quyết tâm của Người cũng như của nhân dân Việt Nam. Trải qua thời gian, nơi đây đã trở thành di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích bao gồm nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, sân vườn. Nhà tưởng niệm có đặt bàn thờ Bác. Trong nhà trưng bày còn lưu giữ nhiều hiện vật quý và các vật dụng Bác thường dùng hằng ngày, phía sau vườn có cây thị đã hơn 80 tuổi. Năm 1995 khu Di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia

Cay Thi
Cây Thị trên 80 tuổi, nơi Bác Hồ tập thể dục mỗi buổi sáng khi về ở và làm việc tại Cổ Tiết

Phú Thọ được biết đến không chỉ bởi Đền Hùng linh thiêng – nơi thờ tự Tổ tiên của người Việt, mà còn là kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam – nơi các vua Hùng đã chọn làm đất khởi nghiệp sơn hà; dựng nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Một vùng đât sơn chầu thủy tụ; hùng vĩ tựa dáng cha, trữ tình như lòng mẹ Đến Phú Thọ không thể không đến với Vạn Xuân, Tam Nông một vùng đất cách mạng có bề dầy ngàn năm lịch sử để thỏa những mong ước một hành trình du lịch tâm linh, lịch sử, văn hoá và sinh thái đồng quê.

2 thoughts on “Về quê của Lan đột biến 5CTPT – vùng đất có bề dầy lịch sử. Nơi có 8 người được Bác Hồ đặt tên.

  1. HatCat says:

    Bài viết rất hay, gợi nhớ lại cả chiều dài lịch sử Việt Nam, từ dựng nước đến giữ nước. Đặc biệt cung cấp thông tin về bông 5 CT Phú Thọ, như sự linh nghiệm và kết nối giữa lịch sử và hiện tại. Cảm ơn tác giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *