Thú chơi Địa lan của người xưa

 “Nhân bất thiện, tri hoa tri diện. Nhân hữu thiện, tri hoa, tri mạo” Người bình thường xem hoa chỉ nhìn được vẻ đẹp bề ngoài của hoa, ngược lại người tài giỏi, sâu sắc và thiện tâm xem hoa thì thấy được cả vẻ đẹp gốc rễ nội tâm ẩn chứa bên trong. Vâng thú chơi hoa là một thú chơi thanh cao của người Việt nói chung và nói đến thú chơi hoa lan thì lại là 1 thú chơi tao nhã nhất của người Việt xưa, một thú chơi truyền thống lâu đời và mang nhiều đạo học.

 

image 6483441 2 4
Bông Địa lan Trần mộng

Một thú chơi được các văn nhân học sỹ, các bậc hiền nhân Quân tử suy tôn là Vương Giả: Vương Giả Chi Hương, Vương Giả Chi Hoa. Ngày xưa Địa Lan quý lắm, chỉ có các cụ Quan lại vương hầu có chức có quyền thuộc tầng lớp vương giả mới có một vài chậu lan quý trong nhà để chơi, sau đó là đến các cụ địa chủ, cả làng, cả tổng may ra mới có một cụ địa chủ có 1 chậu lan quý để chơi, mỗi khi hoa nở thì lại có những bữa tiệc thưởng hoa linh đình, sau bữa tiệc thưởng hoa địa lan, ai thưởng được hương lan cũng tấm tắc khen, một thứ hương thơm không giống bất kỳ một thứ hương nào, và đã được các cụ liệt kê vào tóp đầu trong bộ tứ hương “Linh Hương, Kỳ Hương, Diên Hương và Xạ Hương” Do vậy thú chơi địa lan là niềm ao ước của biết bao người trong thời gian đó

“ Bao giờ cho đến tháng mười

Thứ hoa vương giả đến người bình dân”

Lan được mệnh danh là Dưỡng Tâm Chi Hoa, muốn tu tâm dưỡng tính thì hãy trồng Hoa lan Lan, tuy chỉ là 1 loài thảo, nhưng ko biết là vô tình hay hũu ý do sự sắp đặt của trời đất mà Lan tự mang trong mình nhiều đặc tính quý, để người tu đạo chơi lan cảm thấy trong loài thảo này mang thật nhiều đạo nhân sinh, càng chơi càng ngắm càng ngộ được Đạo từ nó. Bản thân nó không hữu ý tu Đạo mà lại giúp người ta tỉnh Đạo trong cõi mê, người ta gọi nó là Linh thảo là vậy, tự ngọn cỏ lại có Linh để con người ta phải nâng niu, phải trân quý, phải khâm phục nó, thậm chí học theo nó vậy.

Dia lan Thanh Ngoc
Bông Điạ lan Thanh Ngọc

Nói đến lan là người ta nói về hương sắc tư vận. Hương là thứ trân quý nhất của loại cây này. “Lan Sinh Ư U Cốc_Bất Dĩ Vô Nhân Vi Bất Phương”, thứ hương của địa lan là tuyệt nhất, không có thứ hương nào trên thế gian này có thể sánh bằng. Khổng Tử đi chu du Liệt Quốc gặp hương hoa lan mà phải ca ngợi, chi lan nằm trong thâm sâu cùng cốc, không vì thiếu bóng người mà không tỏa hương thơm. Trong tứ quân tử, mai lan trúc cúc, mỗi loài đều có vẻ đẹp riêng, biểu tượng cho tính cách cao đẹp của người quân tử, nhưng loài nào cũng có nhược điểm chỉ có lan là vẹn toàn đủ mọi ưu điểm, “Thế xưng tam hữu, trúc hữu tiết nhi sắc hoa, mai hữu hoa nhi sắc diệp, tùng hữu diệp nhi sắc hương, duy lan độc tịnh hữu chi.”( Người đời xưng tụng tam hữu (tùng, trúc, mai); nhưng trúc có tiết mà không có hoa, mai có hoa đẹp mà kém về lá, tùng có lá mà không có hương, duy chỉ riêng lan có đủ cả ba). Hoa Lan tâm không lớn, mà tâm lại chứa đựng được nhiều hương “Thốn tâm nguyên bất đại_Dung đắc hứa đa hương”. Khổng Tử gia người còn ca ngợi “Dữ thiện nhân xứ, như nhập chi lan chi thất, cửu nhi bất văn kì hương, tắc dữ chi câu hoá.”( Ở cùng người tốt, như ở vào nhà có cỏ chi cỏ lan, lâu ngày không ngửi được mùi hương của chúng, vì đã bị nó đồng hoá.). Hương Lan có thể lan rất rất xa, nhưng có khi ghé mũi vào mà hít lại không lượm được thứ hương này, “ Tùng xuân tự hữu thiên niên thọ_Lan huệ tranh truyền thập lí hương”, người quân tử thưởng lan thanh cao mà vẫn lượm cảm được hương lan, người hạ nhân thưởng lan vít cành ghé mũi, chưa chắc đã cảm được hương mà vội kết luận lan không thơm, thật đáng buồn cười, thứ vương giả chi hương được vua quan các tầng lớp cao quý từ trên xuống dưới suy tôn là vương giả hương, nay lại biến thành thứ không hương trong mắt người hạ nhân, mà cũng không đáng cười vì đó là lẽ khác biệt giữa các cảnh giới của con người ta.

Ở Việt Nam ta, người xưa coi hương Lan là thứ hương quý, đứng đầu trong các loại hương quý, quý hơn cả hương Kỳ Nam, hơn cả Hương Long Diên Hương, hơn cả xạ hương nữa kia. Vì lẽ vậy nên vào mỗi dịp tết đến xuân về, trong gian nhà thờ gian chính giữa, các bậc quan lại, địa chủ giàu có xưa không thể thiếu trưng bày các chậu địa lan, người ta quan niệm hương lan thoát tục, cùng với hương Trầm hương Kỳ Nam kết nối hai cõi âm dương, mang nguyện ước may mắn một năm gửi gắm vào đó.

Dai mac
Bông Địa lan Đại Mặc

Một chậu Đại mặc nở hoa ngày Tết thì không gì tả nổi, thứ hương địa này đúng là trêu ngươi người ta, khi thì nồng nàn khó tả, hít một hơi là hương thơm như luẩn quẩn trong não, ngấm vào tâm thức, sảng khoái vô cùng, nó còn quyến luyến mãi không dứt cái thứ hương ấy trong đầu, nhưng khi lại nhạt nhòa vô cùng, đến mức gần như không thơm. Bông địa nó có hương quyến và hương quyện, có khi nó quyến có khi nó quyện, khi địa phát hương quyến thì đứng từ xa ta cũng bất chợt cảm nhận được có một dòng hương địa đang lờ lững trong không trung, bay theo gió đi rất xa, nhưng có khi địa lại chỉ phát hương quyện, phải đứng thật gần chậu hoa mới cảm được cái hương của nó, ấy vậy mà người xưa quan niệm phàm là kẻ tục tử nhất định không cảm được hương địa lan, nhưng là người cốt cách thanh cao thì địa lan như tự dâng hiến hương mình cho người quân tử vậy. vậy nên nhiều người đến nhà chơi, thấy chậu địa đẹp chỉ khen hoa, chứ không thấy hương.

Tri diện bất Tri mạo tức là chơi Hoa mà chỉ thấy Sắc không thấy Hương thì nó lại là góc hụt của 1 thú chơi rồi, nó đã mất đi cái chiều sâu của một thú chơi cao quý, và có lẽ thú chơi lan nó trở nên cao quý hơn so với bất kỳ thú chơi nào khác cũng bởi chất Linh trong chữ Cỏ (Thảo).

Bàn về Lan thì dài lắm, vài lời đây nói không xuể, anh em chơi địa mà đã có thời gian ngồi lại với nhau thưởng trà bàn Lan, thì thời gian trôi qua nhanh lắm, nói cả buổi cũng không hết chuyện lan. Nhất là địa lan truyền thống, bộ địa ấy nó mang cả lịch sử theo nó, được truyền từ đời cha ông lại đời sau cứ truyền như vậy, nói chuyện cây địa truyền thống thì sảng khoái lắm, dẫu gì cũng là cây tuyển, cây các cụ bao đời tuyển, các cụ hàng bao tầng lớp cao quý khác nhau tuyển, nó linh thiêng, đáng quý, không như cây rừng mới tuyển, song cây truyền thống nó có một điểm là kém sắc hơn chút so với cây rừng mới..

445299922cae48f98ccd244beff47dc9
Vườn Địa lan Hoàng Vũ được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam

Nói về giá thể trồng địa, cố gắng chọn đất bùn ao, đất ruộng, nắm tay từng cục mà bỏ vào chậu, trồng vậy thoáng rễ lắm, học theo các cụ, nhất là cụ Phạm Đình Hổ, chăm lan thì không cho địa ăn phân bẩn, ăn thứ hoại mục hôi thối quá. Về cách thưởng lan thì chỉ cần một chậu lan cân đối, không quá rậm rạm lùm xùm bụi to, không quá nhiều cần hoa rối chậu, mất vẻ thanh cao trong dáng lan, một cây lan có dáng lá trực lập, hiên ngang, lá vặn vỏ đỗ, xanh đen khỏe khoắn, củ to với cần hoa to, khỏe khoắn, giống như cây đại mặc vậy. Thu lan thì phải rõ ra dáng thu lan, lá nhỏ vặn, yểu điệu, hoa ko quá cao, không quá nhiều bông rối cần, với thu chỉ cần vài bông e ấp sau lá là rõ chất thu, không cần ăn đua với mặc. Mỗi người mỗi cách chơi, nó cũng thể hiện ra tính người trong cây lan do người đó nuôi dưỡng , vì vậy chúng ta ko cần bàn luận lối chơi người này hay người kia dở, mà hãy đi tìm cho mình một người bạn lan, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu… cùng nhau thưởng lan dưỡng tâm, chứ đi thị phi nó mất chất chơi địa thanh cao.

03db280ef0c14f4cb91ec80924bab6e9
Vườn địa lan Hoàng Vũ  của bác Trần Phi Công ở Mỹ Lộc – Nam Định

Lan học còn nhiều điều dáng ngẫm lắm, từ giờ ta cứ ngẫm dần mỗi mùa hoa lại thấy được thêm nhiều cái hay trong cây địa lan, kính chúc bạn đọc một mùa địa vui vẻ, có duyên với nhiều cây địa lan đẹp, chúc các độc giả tâm thơm tựa lan, thần thanh như lan, “Khí nhược lan hề trường bất cải_Tâm nhược lan hề chung bất di” (Khí giống hoa lan, tâm không đổi_Tâm tựa hoa lan, mãi không dời)

Nguồn ST

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *